Ngày 26/11/1987, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang (nay là Cần Thơ) đã kí quyết định 236/QĐ.UBTP thành lập Trường Dạy Trẻ Khuyết Tật Hậu Giang. Từ khi mới thành lập, trường có nhiệm vụ giảng dạy học sinh khiếm thị và khiếm thính của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trường đóng trên địa bàn phường An Thới, quận Bình Thủy với diện tích khuôn viên khoảng 5.000 m2. Nhìn chung cơ sở vật chất hiện nay của nhà trường đảm bảo cho việc dạy và học. Nhìn lại buổi đầu mới thành lập hết sức khó khăn, từ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đến đội ngũ cán bộ, giáo viên hầu như chưa có gì nhưng với tinh thần cách mạng tiến công, vừa xây dựng cơ sở vật chất vừa tuyển chọn bồi dưỡng đội ngũ, vừa chiêu sinh năm học đầu tiên. Năm học 1988 – 1989 của trường bắt đầu vỏn vẹn chỉ có 8 phòng học, được chia ra từ trường Bổ túc Công nông (nay là Trường PTTH Bùi Hữu Nghĩa) với 7 cán bộ, giáo viên và 13 học sinh khiếm thị. Các điều kiện khác để phục vụ cho việc dạy - học và hoạt động của trường hết sức khó khăn. Công tác chuyên môn gặp phải không ít khó khăn nhất là trong giai đoạn đầu. Hầu hết giáo viên đến nhận công tác ở trường đều là giáo viên phổ thông, tuy trẻ, năng động, nhiệt tình nhưng chưa có kinh nghiệm giảng dạy, chưa được trang bị kiến thức về giảng dạy và giáo dục trẻ khuyết tật. Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ họ đã phấn đấu, học hỏi, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn để hoàn thành thiên chức của người thầy. Đến nay, Trường Dạy Trẻ Khuyết Tật Cần Thơ đã mở thêm bậc học THCS, thực hiện nhiệm vụ giáo dục ở hai bậc học, bậc trung học cơ sở và bậc tiểu học. Hiện tại, trường có 3 tổ chuyên môn : Tổ văn hóa tiểu học và tổ văn hóa THCS + nghề, tổ Hành chánh quản trị. Năm học 2010 – 2011 trường có 13 lớp khiếm thính, 03 lớp khiếm thị và 04 lớp học nghề, hướng dẫn phụ huynh can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật là 31 ca.
Cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện, từ chỗ các phòng học là mượn tạm, trang thiết bị hầu như không có gì, kể cả bàn ghế trong các phòng làm việc đến nay trường đã có 53 phòng phục vụ cho việc dạy học, ăn nghỉ của học sinh, khu hiệu bộ, phòng vi tính và có thêm 02 phòng chức năng để phục vụ tốt cho việc phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, quang cảnh của trường ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp và thân thiện.
Đội ngũ giáo viên ngày càng trưởng thành, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ. Nhìn lại những năm qua, công tác chuyên môn gặp không ít khó khăn nhất là trong giai đoạn đầu; nhà trường đã tạo mọi điều kiện để đáp ứng nhu cầu học hỏi của giáo viên bằng nhiều hình thức như gửi đi đào tạo, mở các lớp tập huấn ngắn hạn, dài hạn,.. Hoạt động chuyên môn thường kì cũng là một hình thức nâng cao tay nghề cho giáo viên một cách hiệu quả. Đặc biệt, trong những năm gần đây, có nhiều giáo viên được đào tạo chính qui ở bậc cao đẳng và đại học chuyên ngành. Đây là lực lượng nòng cốt thúc đẩy hoạt động chuyên môn của trường ngày càng lớn mạnh, hiệu quả giáo dục ngày càng cao. Cụ thể, có 05 giáo viên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục khen tặng giáo viên đạt thành tích trong giáo dục trẻ khuyết tật, một giaó viên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục khen Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia, nhiều lượt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp quận và cấp cơ sở. Đây là một bước đột phá, một thành công mới mẽ của nhà trường, chất lượng học sinh thi hoàn thành chương trình tiểu học đạt ở mức cao. Nhà trường luôn phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học để xứng đáng với vị thế của mình trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng dạy học mà trường còn chú trọng đến việc giáo dục toàn diện học sinh. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp được tổ chức đều đặn, phong trào văn nghệ thể dục thể thao được duy trì thường xuyên. Qua các lần thi đấu hội thao học sinh khuyết tật đều đạt giải cao,đặc biệt trong kì tham gia hội thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ 3 tại Đăk – Lăk (đầu tháng 12/2009) đoàn vận động viên trường đạt 2 HCV, 1 HCĐ, giải nhì bóng bàn.
Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, trước hết nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, theo dõi giúp đỡ của các cấp ủy đảng, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, các ban ngành đoàn thể, …. Cùng với sự phấn đấu không ngừng của cả tập thể, sự hy sinh thầm lặng của 44 CB, GV, NV đã từng công tác tại trường và hiện nay đã không quản nhọc nhằn gác lại riêng tư, để lại sau lưng bao lo toan vất vả của cuộc sống đời thường, yêu trường, yêu trò, tận tâm, tận lực, coi trường là nhà, tất cả vì trẻ khuyết tật.
Đối với các em học sinh cần nổ lực, rèn luyện, học tập hơn nữa với phương châm “học để vận dung kiến thức đã học vào cuộc sồng, học để tự khẳng định mình”. Tin rằng, bằng sự nổ lực không ngừng, thầy trò trường Dạy Trẻ Khuyết Tật Cần Thơ sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của nhà trường.
Đồng thời chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy đảng, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội từ thiện, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã dành nhiều ưu ái cho trường ngày càng khang trang và đầy đủ trang thiết bị phục vụ tốt cho giảng dạy, học tập, ăn ở của học sinh.